Chiều ngày 10/01/2019 tại Hội trường Công an huyện Lắk, liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án nhân dân huyện Lắk đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm công tác phối hợp liên ngành năm 2018 và triển khai chương trình công tác phối hợp liên ngành năm 2019.
Đến dự hội nghị có đồng chí Bùi Trọng Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy; đồng chí Nguyễn Khắc Trung, Phó Ban pháp chế Hội đồng nhân dân huyện Lắk, đại diện Hạt Kiểm Lâm huyện, Hạt Kiểm Lâm Ban Quản lý Rừng đặc dụng Nam Ka cùng toàn thể các đồng chí Lãnh đạo, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán Kiểm tra viên, Cán bộ điều tra của ba cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân huyện Lắk.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2018, tình hình vi phạm tội phạm trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều phức tạp, tính chất mức độ nguy hiểm của tội phạm và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra có quy mô và đối tượng thực hiện hành vi phạm tội ngày càng đa dạng và tinh vi. Nổi lên là những loại tội phạm, như: Mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích, vi phạm quy định giao thông đường bộ, trộm cắp tài sản, ….
Trong năm, kết quả công tác đều đạt và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37 và Kế hoạch, chương trình mà liên ngành huyện đề ra từ đầu năm, cụ thể: Công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt tỷ lệ giải quyết: 92% (vượt 2% so với chỉ tiểu Nghị quyết 37 đề ra, tăng 1% so với năm 2017); công tác kiểm sát điều tra giải quyết các vụ án hình sự đạt tỷ lệ: 89,2% (vượt 4,2% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 1,7% so với năm 2017); công tác kiểm sát truy tố các vụ án hình sự đạt tỷ lệ: 100% (vượt 3% chỉ tiêu kế hoạch đề ra và bằng so với năm 2017); công tác kiểm sát xét xử các án hình sự đạt tỷ lệ: 100% (vượt 10% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng 3,8% so với năm 2017); công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2018.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác giải quyết các vụ án hình sự; quán triệt và tổ chức thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự năm 2015, Luật Cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017,… nên việc điều tra, truy tố, xét xử, giam giữ, thi hành án hình sự luôn đảm bảo kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Năm 2018, Liên ngành đã chọn và giải quyết được 03 vụ án điểm (chiếm 8%, vượt 2% so với kế hoạch đề ra, giải quyết giảm 1% so với năm 2017); phối hợp đưa ra xét xử lưu động 03 vụ án ma liên quan đến ma túy (đạt 15% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, giảm 6,7% so với năm 2017) và phối hợp tổ chức 04 phiên toà hình sự để rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp cho Kiểm sát viên và Thẩm phán (trong đó có 02 phiên tòa tổ chức rút kinh nghiệm chung cho cả Kiểm sát viên và Thẩm phán), đạt tỷ lệ 100% chỉ tiêu kế hoạch đề ra và giảm 01 phiên tòa so với năm 2017.
Kết quả công tác phối hợp liên ngành huyện năm 2018 đã góp phần tích cực vào việc giữ vững an ninh - chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện ổn định cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà, bảo vệ và tăng cường pháp chế XHCN.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác phối hợp liên ngành năm 2018 vẫn còn một số tồn tại mà nguyên nhân chủ yếu là do có sự thay đổi mới trong hệ thống pháp luật hình sự và tố tụng hình sự nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể một số Điều luật nên việc hiểu và vận dụng vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm của liên ngành có một số trường hợp chưa thống nhất, có những nhận thức đánh giá khác nhau.
Tại hội nghị, liên ngành đã triển khai chương trình phối hợp công tác liên ngành năm 2019, trong đó trọng tâm là: Lãnh đạo liên ngành cần phối hợp chặt chẽ để tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp và đấu tranh phòng, chống tội phạm như: Nghị quyết đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 26/3/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của VKSND, TAND và công tác thi hành án; Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm; Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của VKSND, TAND và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo.
Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự năm 2015, Luật Cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ tạm giam, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Ngị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/6/2006 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về trả hồ sơ để điều tra bổ sung và Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án…, để các cán bộ, công chức của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện đúng quy định và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Về một số chỉ tiêu chính trong công tác điều tra, truy tố, xét xử mà liên ngành đề ra chỉ tiêu cụ thể trong năm 2019, như sau:
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân huyện, phấn đấu hết quý I năm 2019 sẽ giải quyết xong những vụ án đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của năm 2018 chuyển qua.
- Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Cơ quan điều tra Công an huyện Lắk thành lập đoàn kiểm tra công tác tiếp nhận, chuyển xử lý tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, thị trấn (ít nhất 02 đơn vị cấp xã).
- Viện kiểm sát nhân dân phối hợp với Tòa án nhân dân huyện trong công tác xét xử, không để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội, không để xảy ra việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật. Hạn chế tối đa Bản án, Quyết định bị cấp phúc thẩm hủy, cải sửa do vi phạm pháp luật; không để xảy ra tình trạng vi phạm thời hạn tạm giam bị cáo trong giai đoạn xét xử.
- Về phiên tòa rút kinh nghiệm: Mỗi Kiểm sát viên và Thẩm phán làm công tác thụ lý, giải quyết các vụ án hình sự phải tổ chức được ít nhất 01 phiên tòa để rút kinh nghiệm chung cho Kiểm sát viên và Thẩm phán.
- Phấn đấu đến ngày 30/11/2018, tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đạt từ 90% trở lên; hoàn thành điều tra ít nhất từ 85% số vụ án đã thụ lý, khởi tố điều tra. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân chọn và giải quyết ít nhất 03 vụ án điểm trên tổng số vụ án thụ lý điều tra; chọn và giải quyết 100% số vụ án hình sự rút gọn (nếu có đủ điều kiện) theo quy định của BLTTHS năm 2015.
- Phấn đấu 100% các trường hợp tạm giữ, tạm giam có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thời hạn luật định và không để xảy ra trường hợp tạm giữ, tạm giam quá thời hạn luật định hoặc tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính. Đảm bảo ít nhất 97% trường hợp bắt, tạm giữ hình sự được chuyển khởi tố, số còn lại trả tự do nhưng phải có hành vi vi phạm pháp luật.
- Viện kiểm sát phải giải quyết trên 97% số vụ án Cơ quan cảnh sát điều tra kết thúc điều tra đề nghị truy tố. Hạn chế đến mức thấp nhất Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra bổ sung không quá 5%.
- Tòa án phải hoàn thành xét xử ít nhất 90% số vụ án Viện kiểm sát đã truy tố. Bảo đảm ra quyết định thi hành án hình sự đúng thời hạn luật định đối với người bị kết án đạt tỷ lệ 100%; việc hoãn, tạm đình chỉ thi hành án hoặc miễn, giảm, rút ngắn thời hạn chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại địa phương phải đúng pháp luật.
Lãnh đạo liên ngành đã thống nhất phối hợp, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch công tác năm 2018 mà liên ngành đã đề ra, nhằm hoàn thành Kế hoạch công tác của mỗi ngành, của liên ngành và góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Bùi Trọng Nghĩa - Phó Bí thư huyện ủy nhất trí với nội dung báo cáo Kiểm điểm công tác phối hợp liên ngành năm 2018 và triển khai chương trình phối hợp công tác liên ngành năm 2019, đồng thời đồng chí nhấn mạnh chỉ đạo: Làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân trong việc quản lý đất đai, các tố giác, tin báo về tội phạm còn tồn động, kéo dài; làm tốt công tác chỉ đạo của ba ngành trong việc giải quyết các vụ án hình sự mang tính nhạy cảm, phức tạp….
Thay mặt lãnh đạo liên ngành đồng chí Đặng Văn Hào - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, các ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo kiểm điểm công tác phối hợp liên ngành năm 2018 và chương trình phối hợp công tác liên ngành năm 2019. Qua đó, hứa sẽ phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương trong thời gian tới./.