Sáng ngày 15/1, VKSND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2019. Tham dự chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Quốc Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk.
Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đông người tăng... Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của hệ thống cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp, công tác kiểm sát không chỉ đạt kết quả cao mà nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Viện trưởng Phụ trách VKSND tỉnh chủ trì Hội nghị
Viện kiểm sát hai cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Thông qua đó,đã ban hành 2.220 yêu cầu xác minh giải quyết tố giác, tin báo; 1.286 yêu cầu điều tra, hủy bỏ 02 quyết định đình chỉ điều tra vụ án, 01 quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can không có căn cứ, trái pháp luật của Cơ quan điều tra; tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt 100% (vượt 3%); tỷ lệ giải quyết án hình sự của VKS đạt 97% (vượt 2%); tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt 100% (vượt 10%); không có trường hợp nào Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên không phạm tội; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận đạt 87% (vượt 17% so với chỉ tiêu Nghị quyết 37 của Quốc hội)….
Toàn cảnh Hội nghị
Trong năm, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động, thi hành án cũng như trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, được hai cấp Kiểm sát thực hiện tốt, đạt chất lượng cao, điển hình: trong án dân sự, số kháng nghị được tòa án chấp nhận đạt 92,7% (vượt 22,7%); Hai cấp kiểm sát đã ban hành 25 kiến nghị (tăng 01 kiến nghị, vượt 09 kiến nghị so với kế hoạch), yêu cầu Toà án khắc phục các vi phạm trong việc giải quyết án dân sự như: gửi chậm thông báo thụ lý, bản án, quyết định; vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ, toàn diện... Các kiến nghị của Viện kiểm sát đều được Toà án chấp nhận và khắc phục vi phạm.
Đồng chí Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2019 của VKSND tỉnh
Ngoài ra, Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp với Cơ quan điều tra và TAND cùng cấp xác lập, giải quyết tốt 101 vụ án trọng điểm, 17 vụ án theo thủ tục rút gọn; tổ chức 22 phiên tòa xét xử lưu động và 177 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị VKSND tỉnh khắc phục những khó khăn và những tồn tại, thiếu sót, từ đó, nhấn mạnh hai cấp Kiểm sát tỉnh cần lưu tâm thêm một số vấn đề như:
Thứ nhất, Cần tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra; kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, tranh tụng và chất lượng kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, kịp thời phát hiện, kiến nghị, kháng nghị những vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và các vi phạm trong hoạt động tư pháp. Đặc biệt, lãnh đạo Viện cần quan tâm và coi trọng hơn nữa đến chất lượng của khâu công tác kiểm sát giải quyết các loại án dân sự, hành chính, Kinh doanh thương mại…; Kiểm sát viên phải nắm chắc, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính hiện hành; tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng; Góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân.
Thứ hai, xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Ngành, là nhiệm vụ trọng tâm nhất của các đơn vị nghiệp vụ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong các chỉ thị chuyên đề và Chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao. Các Kiểm sát viên phải có trách nhiệm trong thực thi công vụ; chủ động phối hợp ngay từ đầu với Cơ quan điều tra và các đơn vị liên quan để yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra đúng và kịp thời; tăng cường hỏi cung, phúc cung và thực hiện các hoạt động điều tra thuộc thẩm quyền của VKSND. Quản lý chặt chẽ, kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên để xảy ra việc trả hồ sơ do vi phạm tố tụng, thiếu chứng cứ và để lọt tội phạm và người phạm tội.
Thứ ba, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Luật, Bộ luật có hiệu lực trong năm 2018; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Quốc hội, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về lĩnh vực tư pháp; tập trung đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Đề cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp, giải pháp phòng ngừa khắc phục vi phạm nhằm tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp, thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả quán lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Thứ tư, Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục thực hiện nghiêm nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong tình hình mới. Tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên; tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đặc biệt là việc xây dựng mối đoàn kết trong nội bộ Ngành, nội bộ đơn vị, từng bộ phận, không để tình trạng đơn thư tố cáo nặc danh gây mất đoàn kết, gây nghi kỵ lẫn nhau ảnh hưởng đến uy tín của Ngành; tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, xác định vị trí việc làm, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, không để xảy ra trường hợp cán bộ, công chức vi phạm nội quy, quy chế của Ngành bị xử lý kỷ luật.
Đặc biệt, cần làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, bảo đảm nguồn cán bộ kế cận chất lượng, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh đạo trẻ;
Thứ năm, Viện kiểm sát cần làm tốt hơn nữa vai trò trung tâm trong công tác phối hợp liên ngành (Công an, VKSND, Toà án nhân dân), làm nòng cốt trong cuộc đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; không ngừng bảo vệ và tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa.
Một số hình ảnh tại Hội nghị
Đ/c Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc của Viện trưởng VKSND tối cao cho Tập thể VKSND tỉnh Đắk Lắk
Đ/c đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đ/c Đinh Quang Cử, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc
Đ/c Lê Quang Tiến, Phó Viện trưởng phụ trách VKSND tỉnh trao Cờ thi đua dẫn đầu khối cho 4 đơn vị (VKSND Tp. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Hleo và các Phòng 7, 9 VKSND tỉnh)
Đ/c Trần Quốc Nhơn, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh trao danh hiệu tập thể lao động xuât sắc cho các Phòng 1, 2, 3, 7, 10, Thống kê VKSND tỉnh
Thay mặt lãnh đạo Viện, Đ/c Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh trao danh hiệu Chiến sỹ thi đua Ngành cho Đ/c Nguyễn Văn Luyến, Viện trưởng VKSND Tp. Buôn Ma Thuột