Thực hiện Kế hoạch số 24/KH-VKSTC ngày 28/02/2019 của Ban chỉ đạo các Chương trình Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội (PCTP và TNXH) của Ngành kiểm sát nhân dân (Ban chỉ đạo 138), về việc thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2019, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng chương trình công tác phòng, chống tội phạm năm 2019, triển khai đến các Phòng nghiệp vụ và các VKSND huyện, thị xã Buôn Hồ, Tp. Buôn Ma Thuột để thực hiện.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các Kế hoạch, chương trình về công tác phòng, chống tội phạm của Ban chỉ đạo 138/CP về công tác phòng chống tội phạm, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý của Lãnh đạo Viện kiểm sát, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cán bộ công chức toàn ngành trong công tác phòng, chống tội phạm; kết hợp phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong công tác phòng, chống tội phạm; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chương trình đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng chống tội phạm; đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, phòng chống tội phạm mua bán người và tội phạm về ma túy, mại dâm, tội phạm liên quan đến tín dụng đen …; thực hiện đạt và vượt những chỉ tiêu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012, Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013; Nghị quyết 96/2015/QH13; Nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội.

Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 ngành KSND Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại Hội nghị triển khai các chương trình phòng, chống tội phạm năm 2019
Đồng thời Chương trình cũng đề ra VKSND hai cấp trên địa bàn cần quản lý chặt chẽ, xây dựng chất lượng 07 chuyên đề cơ bản là: THQCT, KS việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố; THQCT, KS việc tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Đình chỉ điều tra vụ án, Đình chỉ bị can do không phạm tội và Đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự; Trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; Tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hình sự; Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; Giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân; Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội … Quản lý chặt chẽ số liệu, thông tin có liên quan để phục vụ các kỳ báo cáo của Ngành và báo cáo Ban chỉ đạo, Chính phủ, Quốc hội về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thông qua công tác THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp; Viện kiểm sát hai cấp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng chú trọng làm rõ nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm, nhất là các thiếu sót sơ hở trong quản lý kinh tế để kiến nghị với Đảng, Nhà nước, cơ quan hữu quan có biện pháp, giải pháp khắc phục, phòng ngừa tội phạm; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đảm bảo ổn định phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Lãnh đạo VKSND tỉnh cũng đã chỉ đạo VKSND cấp huyện tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ Kiểm sát viên trong đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng đội ngũ các bộ Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong thời kỳ mới./.