Ngày 27/10/2020, Liên ngành Kiểm sát – Công an – Bộ đội biên phòng – Thuế - Hải quan – Quản lý thị trường – Thanh tra – Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT, ngày 29/12/2017 của Liên ngành Trung ương; Liên ngành Viện kiểm sát, Công an, Bộ đội biên phòng, Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra và Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk số 921/LN-QCPH ngày 27/10/2020, thay thế cho Quy chế số: 04/QCPHLN/2012 ngày 04/10/2012.
Quy chế phối hợp thể hiện vị trí, vai trò của Liên ngành trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tầm quan trọng của việc phối hợp giữa Liên ngành với cấp ủy và chính quyền địa phương.
Ngay sau khi ký kết Quy chế phối hợp, Lãnh đạo các đơn vị Liên ngành cấp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị Liên ngành cấp huyện, căn cứ Quy chế phối hợp này, khẩn trương quán triệt, triển khai công tác phối hợp xây dựng Quy chế trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phù hợp với tình hình đơn vị, địa phương mình, nhằm đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố luôn được phát hiện, xem xét, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Việc ban hành Quy chế mới sẽ tiếp tục góp phần giải quyết tốt hơn những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới cũng như phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và các Nghị quyết của Quốc hội, về nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, có nêu: “Nâng cao chất lượng công tác điều tra, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách điều tra với các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm”.