Để thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ - Công an - VKSND tỉnh và TAND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất ký kết Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn 2019 – 2022.
Chương trình nhằm mục đích: Phát huy vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với Công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh (sau đây gọi tắt là các bên) trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Bảo đảm các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật, công bằng, nghiêm minh, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Nâng cao khả năng nhận biết về bình đẳng giới trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mỗi ngành, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái.
Theo nội dung ký kết, trong giai đoạn 2019 - 2022, các bên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp: Xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái. Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm phổ biến sâu rộng và triển khai các Luật, pháp lệnh, các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, đặc biệt thông tin chính xác đối với các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, gây bức xúc trong dư luận; tổ chức hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các hoạt động.

Các đại biểu liên ngành tham gia hội nghị
Đồng thời, phối hợp giám sát hoạt động tư pháp đối với các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Phối hợp nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái thông qua bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ Hội LHPN các cấp và công chức ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an; phối hợp biên soạn, xây dựng tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Phối hợp nâng cao hiệu quả tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động đối thoại, tư vấn pháp luật trang facebook, tổ tư vấn cộng đồng, Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng, chống bạo lực, xâm hại...
Để thực hiện chương trình, ngoài trách nhiệm riêng của từng ngành thì các bên có trách nhiệm: Phối hợp trong hoạt động góp ý, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo vệ phụ nữ, trẻ em theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện để Hội HLHPN tỉnh thực hiện quyền giám sát trong tố tụng hình sự đối với các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Phối hợp tổ chức truyền thông đối với các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, gây bức xúc trong dư luận; phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai các hoạt động; biên soạn, xây dựng tài liệu liên quan đến công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
Mặt khác, phối hợp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới theo quy định của pháp luật. Thống kê, thông tin về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái. Hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại phụ nữ, trẻ em gái trên địa bàn tỉnh…
Quá trình thực hiện, các bên phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm; chỉ đạo đơn vị trực thuộc theo ngành dọc căn cứ các nội dung trong chương trình này xây dựng cơ chế phối hợp để tổ chức các hoạt động phù hợp. Hàng năm, các bên họp để đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp trong năm; xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện trong năm tiếp theo. Kinh phí triển khai, tổ chức, thực hiện Chương trình này do mỗi bên tự bảo đảm theo quy định hiện hành…