13:28 EDT Thứ năm, 30/03/2023

Trang chủ » Tin tức » Hoạt động Kiểm sát

Quảng cáo giữa trang

Một số lưu ý khi thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về pháp nhân thương mại phạm tội.

Chủ nhật - 01/05/2022 04:26
Bài viết: Một số lưu ý khi thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về pháp nhân thương mại phạm tội.
 
Ngày 01/01/2018, Bộ luật hình sự năm 2015 đã chính thức có hiệu lực thi hành. Đây là bộ luật hình sự đầu tiên của nước ta quy định về chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại, quy định này đã tạo ra một trong những thay đổi quan trọng, cho thấy một bước phát triển mới trong chính sách hình sự của Việt Nam; là hành lang pháp lý đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận. Phù hợp và thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển. Đối với các Kiểm sát viên, khi thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về pháp nhân thương mại phạm tội, cần chú trọng một số nội dung sau:
Thứ nhất, cần đặt ra câu hỏi như thế nào là pháp nhân thương mại, Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Đặc điểm này là cơ sở quan trọng để phân biệt pháp nhân thương mại với pháp nhân khác (pháp nhân phi thương mại). Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại chính là trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà pháp nhân thương mại đó phải gánh chịu, nguyên nhân là do pháp nhân thương mại đó, trong quá trình kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận đã thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà những hành vi này được BLHS năm 2015 quy định là tội phạm.
Thứ hai, phải nắm vững những điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại; điều kiện chịu TNHS của pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự  khi có đủ các điều kiện sau đây: Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.
Thứ ba, khi thực hành quyền công tố, KSĐT các vụ án hình sự về pháp nhân thương mại phạm tội, cần phải nghiên cứu và phân tích kỹ để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội; điểm d khoản 1 Điều 75 BLHS 2015 quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội được tính theo khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS 2015 (05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Thời hiệu được tính kể từ ngày tội phạm được thực hiện. Trong phân loại tội phạm, hình phạt đối với người phạm tội không phải giống như đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Chưa có điều luật nào quy định pháp nhân thương mại phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội là phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, không có hình phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc tử hình. Căn cứ khoản 1 Điều 9 về phân loại tội phạm, hình phạt tiền được hiểu là hình phạt dành cho tội phạm ít nghiêm trọng. Từ đây một số quan điểm cho rằng, tất cả các trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 05 năm kể từ ngày phạm tội. Tuy nhiên việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội cần căn cứ vào quy định của từng điều luật, từng tội phạm cụ thể. Căn cứ vào quy định của từng điều luật, từng điểm khoản cụ thể đối với người phạm tội và phần tương ứng của từng điều luật, từng điểm khoản cụ thể đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong điều luật đó để xác định pháp nhân thương mại phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hay phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, để từ đó tính thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội được chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Ví dụ: Về tội buôn lậu, khoản 1 Điều 188 BLHS quy định đối với người phạm tội có mức hình phạt cao nhất là từ 06 tháng đến 03 năm (đây là tội ít nghiêm trọng); tương ứng với phần pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điểm a khoản 6 Điều 188 BLHS, nếu pháp nhân thương mại phạm tội thuộc điểm a khoản 6 Điều 188 BLHS thì xác định đây là tội phạm ít nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội trong trường hợp này là 05 năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội. Tương tự như vậy, nếu pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 188 BLHS (điểm b khoản 6 Điều 188 BLHS) thì xác định đây là tội phạm nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội là 10 năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội; nếu pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 188 BLHS (điểm c khoản 6 Điều 188 BLHS) thì xác định đây là tội phạm rất nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội là 15 năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội; nếu pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 188 BLHS (điểm d khoản 6 Điều 188 BLHS) thì xác định đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội là 20 năm kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội.
Riêng khoản 3 Điều 27 BLHS về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ có giá trị và chỉ tính đối với người phạm tội, không có hiệu lực đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Vì khoản 3 Điều 27 BLHS 2015 quy định thời hiệu có liên quan đến hình phạt tù, trốn tránh, truy nã, đầu thú, bắt giữ, nhưng đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì không có hình phạt tù, không có quy định về pháp nhân thương mại phạm tội trốn tránh, truy nã, đầu thú và bắt giữ pháp nhân thương mại phạm tội.
Thứ tư, xét về mặt không gian, lãnh thổ, việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại không chỉ áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn có thể áp dụng đối với hành vi của pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, (trừ các đối tượng thuộc trường hợp được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam), nhưng hành vi đó xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của Việt Nam hoặc được quy định là tội phạm trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 5, Điều 6 BLHS 2015)
- Thứ năm, về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một trong các tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật hình sự 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm sau: Tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; tội đầu cơ; tội quảng cáo gian dối; tội lừa dối khách hàng; tội vi phạm quy định về cung ứng điện; tội trốn thuế; tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; tội thao túng thị trường chứng khoán; tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tội vi phạm quy định về cạnh tranh; tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; tội hủy hoại rừng; tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại; tội tài trợ khủng bố; tội rửa tiền.  Ngoài 33 tội danh quy định tại điều 76 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại không phải chịu TNHS ở các lĩnh vực kinh tế xã hội khác.
Thứ sáu, trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội không đồng nghĩa với TNHS của người đứng đầu hoặc những người có liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại đó; không được cho rằng đã truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại phạm tội thì không truy cứu TNHS của người đứng đầu hoặc những người có liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại. Trong trường hợp có đủ các điều kiện và đã truy cứu TNHS đối với pháp nhân thương mại, nhưng nếu người đứng đầu và những người có liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại đó có các hành vi vi phạm pháp luật, có đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập thì phải truy cứu TNHS đối với những người này về các tội danh tương ứng.
Thứ bảy, do pháp nhân thương mại phạm tội là một quy định mới trong BLHS năm 2015, nên cần phải nghiên cứu kỹ về các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
+ Về hình phạt chính bao gồm: Phạt tiền (Điều 77); đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78); đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79 BLHS 2015). Qua nghiên cứu 33 tội danh đối với pháp nhân thương mại (Điều 76 BLHS năm 2015), hình phạt tiền là hình phạt được quy định cho tất cả các tội danh, còn hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn và hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn chỉ quy định cho một số tội danh nhất định trong 33 tội danh nêu trên. Điều này cũng cần chú ý vì có khi do qua loa, cẩu thả…Kiểm sát viên lại đề nghị loại hình phạt mà điều luât, tội danh đó không quy định.
+ Về hình phạt bổ sung bao gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80); cấm huy động vốn (Điều 81); phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính (điểm c khoản 2 Điều 33 BLHS 2015).
+ Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.
Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ điều luật, tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với pháp nhân thương mại đó; nghiên cứu kỹ những quy định của BLHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội; cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại, việc cống hiến của pháp pháp nhân thương mại cho xã hội và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội… để đề nghị HĐXX tuyên hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được chính xác, khách quan, tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và hậu quả do hành vi nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân thương mại đó gây ra.
Quá trình xử lý các vụ án về pháp nhân thương mại phạm tội đòi hỏi phải tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc: Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả cho xã hội./.
 
                  
Hoàng Ngọc Long                                            Viện KSND huyện Buôn Đôn
 
 

Tác giả bài viết: Hoàng Ngọc Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Liên kết Website


Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 87

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 86


Hôm nayHôm nay : 29369

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 848957

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55328051