22:08 +07 Thứ năm, 21/09/2023

Trang chủ » Tin tức » Trao đổi nghiệp vụ

Quảng cáo giữa trang

Trao đổi về khiếu nại trong tố tụng hình sự liên quan đến việc giải quyết đơn khiếu nại

Thứ hai - 09/07/2018 19:26
Một số trao đổi về khiếu nại trong tố tụng hình sự liên quan đến việc giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
Bộ luật Tố tụng hình sự BLTTHS năm 2015 (BLTTHS) dành toàn bộ Chương XXXIII, gồm 15 Điều để quy định về khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự. Cụ thể về khiếu nại:
 
- Về chủ thể khiếu nại trong tố tụng hình sự, BLTTHS quy định 03 loại chủ thể có quyền khiếu nại sau: Cơ quan có liên quan, Tổ chức có liên quan và Cá nhân có liên quan theo Khoản 1, Điều 469: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
 
- Về thời hiệu khiếu nại theo Điều 471, BLTTHS:
 
1. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho rằng có vi phạm pháp luật.
 
2. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
 
Vấn đề dễ nhầm lẫn ở đây là do luật không quy định cụ thể thời hạn khiếu nại 15 ngày là áp dụng đối với lần đầu hay lần 2. Vì theo quy định tại các Điều 474, Điều 475, Điều 476 thì thời hiệu khiếu nại lần 02 là chỉ có 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại nên các cơ quan pháp luật đều cho rằng thời hiệu khiếu nại 15 ngày là áp dụng cho lần đầu nhưng với người dân thì nhiều người họ cho rằng họ không biết đâu là áp dụng lần đầu, đâu là áp dụng lần 02.
 
(Lưu ý: Trường hợp biết được mà chưa nhận được quyết định cần khiếu nại thì không phải là căn cứ để tính thời hiệu).
 
Tại khoản 2 Điều 471: Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu.
 
Vậy, lý do bất khả kháng, trở ngại khách quan là gì?
 
Thứ nhất, Pháp luật dân sự quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây: sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa; trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.
 
 Thanh tra Chính phủ thì khuyến nghị: “Các cơ quan thụ lý và giải quyết khiếu nại không nên cứng nhắc trong việc xác định thời hiệu khiếu nại, mà nên căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định thời hiệu cho phù hợp, tránh để sót, để lọt,  nếu đơn khiếu nại có căn cứ thì nên thụ lý giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhân dân”.
 
Bên cạnh đó, theo quy định trong Luật Tố tụng hành chính: Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình.
 
Thứ hai, vấn đề người dân cho rằng họ không hiểu biết pháp luật, không biết về thời hiệu khiếu nại trong tố tụng hình sự khác với thời hiệu khiếu nại theo Luật Khiếu nại (quy định đến 90 ngày) có được xem là trở ngại khác quan không?
 
Để bảo vệ thân chủ, Luật sư khẳng định: Việc không hiểu biết pháp luật của công dân dẫn đến họ không thể thực hiện quyền khiếu nại đúng thời hạn luật định là trở ngại khách quan vì pháp luật không có quy định cụ thể không hiểu biết pháp luật là lỗi của người dân nên không phải là trở ngại khách quan.
 
Đại diện cơ quan có liên quan thì khẳng định: Trở ngại khách quan được hiểu là: Những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình.
 
Trở ngại khách quan chính là những tình huống, hoàn cảnh khách quan, không do con người mong muốn. Việc không hiểu biết pháp luật là lỗi của người dân. Một người không thể viện dẫn lý do mình không hiểu biết pháp luật để biện minh cho việc không làm một việc hoặc đã thực hiện một hành vi. Nếu công dân nào cũng viện dẫn lý do không hiểu biết pháp luật thì mọi quy định về thời hiệu sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
 
Như vậy, dù pháp luật khiếu nại không quy định cụ thể, rõ ràng về “trở ngại khách quan”, nhưng thể hiện tinh thần “vì dân”, với trách nhiệm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại nói riêng, của nhân dân nói chung, khi xem xét, xử lý việc thụ lý đơn khiếu nại nên có sự cân nhắc, tham khảo các quy định pháp luật có liên quan, tùy từng trường hợp cụ thể, để tính thời hiệu khiếu nại hợp tình, hợp lý với tiêu chí “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm” như chúng ta đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh./.

Tác giả bài viết: Mỹ Xuân

Nguồn tin: Phòng 12 VKSND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Liên kết Website


Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 167

Máy chủ tìm kiếm : 3

Khách viếng thăm : 164


Hôm nayHôm nay : 39075

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 672646

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 62788024