Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về những trường hợp giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm tố nhưng thực tiễn vẫn còn khó khăn cần trao đối.
Tại Điều 147 BLTTHS 2015 quy định:
“1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh”.
Tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS quy định:
“1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”.
Theo quy định nêu trên, thì khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định theo tại khoản 1 Điều 147 BLTTHS. Tuy nhiên, qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có một số trường hợp chưa thỏa mãn các căn cứ để áp dụng các căn cứ tại khoản 1 Điều 147 BLTTHS.
Ví dụ 1: Vào ngày 20/01/2018, tại nhà của Trần Thế A, sinh năm 1989, ở Thôn X, xã Y, huyện E, Trần Thế A đã có hành vi giao cấu với Nguyễn Thị D, sinh ngày 20/8/2003 trú cùng thôn. Sau khi biết được sự việc xảy ra, gia đình D trình báo lên cơ quan Công an. Kết quả xác minh A không có mặt tại địa phương, không rõ đi đâu làm gì.
Ví dụ 2: Vào ngày 26/11/2017, tại TDP15, TT. Đ, huyện E, khi anh Nguyễn Hữu V đang ở nhà thì có 02 người đàn ông mặc quần áo tu hành, đi xe mô tô Future, biển kiểm soát 63B6-175.000 đến giới thiệu pháp danh là Minh Ngọc và Minh Thông tu ở chùa Khải Đoan, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngọc, Thông nói sẽ cúng cho nhà anh V làm ăn phát tài và yêu cầu anh V mang 79.000.000 đồng để cúng thì anh V đồng ý. Anh V lấy 79.000.000 đồng quấn vào 01 miếng vải do Ngọc và Thông đưa và để lên bàn thờ tại tầng 02 để Ngọc và Thông cúng. Trong quá trình cúng, Ngọc nói anh V đi lấy nước, khi anh V lấy nước lên thì Ngọc và Thông cúng xong, cả ba đi xuống phòng khách ngồi. Lúc này, anh V nghi ngờ nên đi lên bàn thờ kiểm tra thì phát hiện số tiền 79.000.000 đồng đã được đánh tráo bằng tiền âm phủ. Anh V đi xuống phòng khách thì Ngọc và Thông đã đi mất. Kết quả xác minh cho thấy biển kiểm soát xe mô tô 63B6-175.000 là giả; tại chùa Khải Đoan cũng không có pháp danh Minh Ngọc và Minh Thông.
Cả hai trường hợp trên khi hết thời hạn thì chưa có cơ sở để ra quyết định khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án hay tạm đình chỉ theo BLTTHS. Hiện nay, đang có hai quan điểm giải quyết:
Quan điểm thứ nhất: Cơ quan điều tra đã làm hết các bước theo quy định của pháp luật để thu thập chứng cứ nhưng vẫn chưa chứng minh được có hành vi phạm tội xảy ra hay không nên Cơ quan điều tra cần vận dụng căn cứ “Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả” theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 148 BLTTHS để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Quan điểm thứ hai: Cơ quan điều tra sẽ có công văn thống nhất với Viện kiểm sát để tạm dừng xác minh tin báo, tố giác về tội phạm.
Người viết đồng tình với quan điểm thứ nhất, vì BLTTHS 2015 không quy định trường hợp nào là tạm dừng xác minh nên việc vận dụng điểm b khoản 1 Điều 148 BLTTHS để ra quyết định tạm đình chỉ là cần thiết, tránh tình trạng để tố giác, tin báo về tội phạm quá hạn kéo dài nhưng không có kết quả giải quyết.
Trên đây là quan điểm của cá nhân, rất mong được sự trao đổi của đồng nghiệp./.