Thừa kế đối với đất nông nghiệp được cấp cho hộ gia đình mà thời điểm mở thừa kế từ 30 năm trước
Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế tại TAND cho thấy, quy định mới về thời hiệu thừa kế của BLDS năm 2015 đã làm tăng tính phức tạp trong nhiều vụ án liên quan đến quyền sử dụng đất mà thời điểm mở thừa kế từ thập niên 90, điển hình là việc xác định di sản thừa kế đối với đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp là tài sản rất đặc thù, chế độ sử dụng và quy định về thừa kế đối loại đất này cũng có nhiều biến động qua từng thời kỳ lịch sử. Do đó, khi xác định di sản thừa kế đối với đất nông nghiệp, đòi hỏi Tòa án cần xem xét đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai tại từng thời kỳ liên quan đến nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đó.
Sau đây là ví dụ cụ thể về việc thiếu sự xem xét toàn diện trong việc áp dụng pháp luật đất đai để xác định di sản thừa kế đối với đất nông nghiệp (ví dụ này xuất phát từ một vụ án thực tế):
1.Tóm tắt nội dung vụ việc
* Nguồn gốc sử dụng đất
Cụ Đỗ XP, sinh năm 1917 (chết năm 1987) và cụ Trần TP sinh năm 1917 (chết năm 1991) sinh được 6 người con gồm: ông Đỗ ĐS, sinh năm 1937; ông Đỗ TH, sinh năm 1938; ông Đỗ VN, sinh năm 1952 (chết năm 1972 và không có vợ con); bà Đỗ TN, sinh năm 1953; bà Đỗ TV, sinh năm 1956 và bà Đỗ TT, sinh năm 1962. Khi chết, cụ XP và cụ TP đều không để lại di chúc.
Trong 6 người con của cụ Đỗ XP và cụ Trần TP thì có 5 người con đã chuyển đến địa phương khác sinh sống từ trước năm 1981, chỉ còn ông Đỗ TH (vợ là bà Đào TH) sinh sống tại địa phương đến nay.
Theo bản đồ địa chính năm 1986 thì hộ cụ Trần TP được quyền sử dụng 8007 m2 đất nông nghiệp trồng lúa tại xã TX, huyện B, tỉnh H.
Đến năm 1987, khi cụ Đỗ XP qua đời, cụ Trần TP cùng ông Đỗ TH và vợ con ông tiếp tục canh tác trên diện tích đất nông nghiệp trồng lúa này.
Đến năm 1991, khi cụ Trần TP qua đời, ông Đỗ TH và vợ con ông tiếp tục canh tác trên diện tích đất nông nghiệp trồng lúa này cho đến nay.
Đến năm 1999, hộ ông Đỗ TH và bà Đào TH đứng tên trên bản đồ địa chính và được UBND huyện B tỉnh H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nêu trên với thời hạn sử dụng đất là đến tháng 12 năm 2013 (1347m2 được cấp ngày 15/10/1999 và 6660 m2 được cấp ngày 28/10/2010).
* Nội dung yêu cầu khởi kiện của bà Đỗ TN
Đến năm 2019, bà Đỗ TN khởi kiện vụ án “tranh chấp về thừa kế tài sản” đối với ông Đỗ TH và bà Đào TH tại Tòa án tỉnh H, yêu cầu Tòa án chia thừa kế đối với toàn bộ diện tích 8007 m2 đất nông nghiệp trồng lúa nêu trên cho hàng thừa kế thứ nhất của cụ Trần TP (gồm 5 người con hiện còn sống); hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Đỗ TH và bà Đào TH được UBND huyện B cấp ngày 28/10/2010.
* Quyết định của Tòa án tỉnh H
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/2019/DS-ST ngày 22/10/2019, Tòa án tỉnh H đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, trong đó, xác định 8007 m2 đất nông nghiệp trồng lúa nêu trên là di sản thừa kế của cụ Trần TP với các căn cứ pháp luật sau đây: Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, Điều 105, 106 và 203 của Luật Đất đai năm 2013; Điều 138,149, 210, 213, 219, 254, 610, 611, 613, 614, 623, 649, 650, 651 và 660 của BLDS năm 2015.
2. Đánh giá về quyết định của Tòa án tỉnh HN
Chúng tôi cho rằng, chưa xem xét đến các điều luật cụ thể đã được viện dẫn trong quyết định của Tòa án tỉnh H, nhưng việc chỉ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 và BLDS năm 2015) mà không xét đến các quy định của pháp luật đất đai về chế độ sử dụng đất ở thời kỳ trước đó để xác định di sản thừa kế của cụ Trần TP là thiếu sót.
Để xác định 8007 m2 đất nông nghiệp trồng lúa nêu trên có phải là di sản thừa kế của cụ Trần TP hay không, Tòa án cần xem xét các vấn đề sau đây:
(1) Áp dụng pháp luật để xác định di sản thừa kế tại thời điểm mở thừa kế
8007 m2 đất nông nghiệp trồng lúa là do Nhà nước cấp cho hộ gia đình cụ Trần TP (theo bản đồ địa chính năm 1986). Như vậy, đây là đất nông nghiệp trồng lúa của hộ gia đình.
Thời điểm mở thừa kế (thời điểm cụ Đào TP chết) xảy ra vào năm 1991 nên để xác định di sản thừa kế là đất nông nghiệp tại thời điểm mở thừa kế thì Tòa án phải áp dụng Luật Đất đai năm 1987, cụ thể:
Khoản 1 và 2 Điều 14 của Luật Đất đai năm 1987 quy định:
Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng trong những trường hợp sau đây:
1- Tổ chức sử dụng đất bị giải thể, chuyển đi nơi khác, hoặc bị thu hẹp mà giảm nhu cầu sản xuất;
2- Tất cả số người trong hộ sử dụng đất đã chuyển đi nơi khác hoặc đã chết”.
Khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai quy định: Việc chuyển quyền sử dụng đất đai chỉ thực hiện “Khi người được giao đất chuyển đi nơi khác hoặc đã chết mà thành viên trong hộ của người đó vẫn còn tiếp tục sử dụng đất đó.…”.
Theo quy định trên thì khi cụ Đào TP chết mà hộ ông Đỗ TH vẫn tiếp tục canh tác trên đất nông nghiệp đó thì diện tích đất đó được chuyển quyền sử dụng cho hộ ông Đỗ TH tiếp tục canh tác. Ngoài hộ ông Đỗ TH đang trực tiếp canh tác trên đất nông nghiệp đó, thì những người con khác của cụ Đào TP đã chuyển đi nơi khác, nếu hộ ông Đỗ TH không sử dụng đất nông nghiệp đó thì đất sẽ bị Nhà nước thu hồi.
Như vậy, tại thời điểm cụ Đào TP chết, hộ ông Đỗ TH được chuyển quyền sử dụng đất theo căn cứ của Luật Đất đai năm 1987 và 8007 m2 đất nông nghiệp trồng lúa không phải là di sản thừa kế của cụ Đào TP.
(2) Áp dụng pháp luật đất đai tại thời điểm ông Đỗ TH và bà Đào TH được UBND huyện B cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
UBND huyện B tỉnh H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đỗ TH và bà Đào TH đối với diện tích đất nêu trên vào ngày 15/10/1999 (đối với 1347m2) và ngày 28/10/2010 (đối với 6660 m2).
Tại thời điểm này, Tòa án cần áp dụng quy định của Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003 về căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể:
Chỉ thị số 10/1998/TTg-CT của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh và hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định: “Mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất hoặc đang trực tiếp quản lý sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có trách nhiệm kê khai đăng ký toàn bộ diện tích đất đang trực tiếp sử dụng tại ủy ban nhân dân cấp xã để được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo kế hoạch kê khai đăng ký của mỗi địa phương”.
Như vậy, hộ ông Đỗ TH sử dụng đất ổn định và đang trực tiếp lý sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 1347m2 được cấp ngày 15/10/1999 của UBND huyện B cho hộ ông Đỗ TH là có căn cứ pháp luật.
Khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Theo quy định nêu trên, với hiện trạng sử dụng đất của hộ ông Đỗ TH và bà Đào TH thì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 6660 m2 được cấp ngày 28-10-2010 của UBND huyện B cho hộ ông Đỗ TH là có căn cứ pháp luật.
(3) Áp dụng pháp luật đất đai tại thời điểm giải quyết tranh chấp
Thời điểm giải quyết tranh chấp là năm 2019. Do đó, Tòa án còn phải áp dụng quy định của Luật Đất đai năm 2013, trong đó cần xem xét đến thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trong hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện B đã cấp cho hộ ông Đỗ TH. Theo hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này, thời hạn sử dụng đất là đến tháng 12/2013. Hết thời hạn này thì diện tích đất nông nghiệp này được xử lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Như vậy, kể từ tháng 01/2014, khi hết thời hạn sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, hộ ông Đỗ TH được tiếp tục sử dụng đất theo nhu cầu sử dụng và có thời hạn theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
Kết luận: Qua phân tích các quy định của pháp luật đất đai liên quan cho thấy, đối với vụ việc nêu trên, ngay tại thời điểm mở thừa kế, diện tích đất nông nghiệp nêu trên không được xác địnhh là di sản thừa kế. Pháp luật đất đai qua các thời kỳ, tính từ thời điểm mở thừa kế đến thời điểm giải quyết tranh chấp đều không quy định tài sản này là di sản thừa kế. Đồng thời, chính sách đất đai qua các thời kỳ này đã thể hiện rõ việc công nhận và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp.
Vì vậy, khi Tòa án giải quyết các tranh chấp thừa kế đối với đất nông nghiệp, đặc biệt là đối với trường hợp mà thời điểm mở thừa kế đã cách thời điểm giải quyết tranh chấp từ 20 đến 30 năm thì cần xem xét toàn diện pháp luật đất đai của từng thời kỳ liên quan đến nguồn gốc và quá trình sử dụng đất đó. Từ đó mới xác định chính xác về di sản thừa kế và giải quyết tranh chấp đúng pháp luật./.