Thứ hai , Ngày 19 Tháng 05 Năm 2025
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay: 977

Hôm qua: 1,324

Trong tuần: 2,301

Trong tháng:

Tất cả: 1,705,151

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 24/08/2018

Trao đổi nghiệp vụ: A và B phạm tội gì?


Tình huống trao đổi:

Khoảng 18 giờ ngày 14/12/2017, A (SN 1990) gọi điện thoại rủ B (SN 1992) cùng trú tại thôn 1, xã Y, huyện Z đi hái trộm cà phê của chính gia đình A để bán lấy tiền tiêu xài thì B đồng ý.

A và B chuẩn bị bao, bạt và đi xe mô tô không có biển số đến nhà A nhưng đến nơi thì thấy có chị gái của A là C cùng anh rể đang ở trong nhà nên A chuyển hướng, rủ B đến nhà chị C ở thôn bên cạnh để lấy trộm cà phê. Tại đây, A thấy cháu X (sinh năm 2008) là con của chị C đang ở nhà nên trốn vào trong vườn cà phê, còn B điều khiển xe chạy vào sân, quan sát không thấy ai nên đi vào trong nhà và thấy cháu X ở phòng bếp, do lo sợ cháu X la lên nên B giả vờ hỏi thăm và xin số điện thoại của bố cháu, vì vậy cháu X đã lấy điện thoại di động hiệu ITEL bấm số điện thoại của bố rồi đưa cho B.

Lúc này, B nảy sinh ý định chiếm đoạt điện thoại mà cháu X đưa nên vừa cầm điện thoại này vừa lấy ra điện thoại của mình ra, giả vờ bấm số sau đó giả vờ gọi điện cho bố cháu X rồi đi ra ngoài sân. Khi thấy cháu X không để ý, B bỏ điện thoại vào túi quần rồi lên xe mô tô bỏ chạy. Cháu X thấy vậy liền truy hô, đuổi theo nhưng không kịp.

Sau khi chạy thoát, B điện thoại kể lại sự việc cho A và cả hai đem cất giấu chiếc điện thoại này khoảng một tuần rồi bán cho anh N, trú tại thôn 5, xã Y, huyện Z với giá 200.000 đồng.

Tại bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản, kết luận: Giá trị chiếc điện thoại di động ITEL trên là 1.500.000 đồng.

Với nội dung nêu trên, A và B có phạm tội không? Nếu có thì phạm tội gì?

* Đ/c Nguyễn Hồng Nghĩa - VKSND huyện Krông Ana, tham gia trao đổi như sau:

Nếu tài sản (chiếc điện thoại di động hiệu ITEL) mà B chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi của B cấu thành tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015 (hình phạt có lợi cho B). Vì B đã lợi dụng sự non nớt, không có khả năng quản lý tài sản của cháu X và không có người lớn trông coi (là trẻ em) nên đã nói với cháu X đưa điện thoại và chiếm đoạt chiếc điện thoại, ngoài ra B cũng không có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực đối với cháu X. Tuy nhiên, do kết quả định giá chiếc điện thoại chỉ 1.500.000 đồng nên hành vi của B không cấu thành tội Công nhiêm chiếm đoạt tài sản. Chỉ xử phạt hành chính đối với hành vi trên của B.

Sau khi B Công nhiên chiếm đoạt tài sản xong thì A mới biết sự việc và tiến hành cùng B bán điện thoại này lấy tiền sử dụng vì vậy A phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 BLHS năm 2015 ( hình phạt có lợi cho B) nhưng do B không phạm tội thì đương nhiên A không phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Từ đó, chỉ xử phạt hành chính đối với hành vi trên của A.
 
* Đ/c Nguyễn Trường Lưu - Văn phòng VKSND tỉnh, tham gia trao đổi như sau:

Tôi đồng tình quan điểm của đ/c Nguyễn Hồng Nghĩa – VKSND huyện Krông Ana với trường hợp A phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên về tội danh của B, theo tôi B phạm tội Cướp giật tài sản, bởi:

Ngay từ ban đầu, B không không có ý định sử dụng bất kỳ thủ đoạn gian dối nào để chiếm đoạt chiếc điện thoại, việc B hỏi số điện thoại rồi được “tiếp cận” chiếc điện thoại (do cháu X tự đưa, B không yêu cầu) ngoài mục đích để cháu X khỏi la lên thì không còn mục đích nào khác. Từ đó, hành vi công khai cầm điện thoại để lấy số (thủ đoạn tiếp cận), chiếm đoạt rồi bất ngờ, nhanh chóng tẩu thoát trong tầm quản lý của cháu X sẽ thỏa mãn yếu tố cấu thành tội Cướp giật tài sản. Trong trường hợp này, cháu X mới chỉ 10 tuổi nên hành vi của B sẽ bị truy tố theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 171 BLHS 2015 (phạm tội đối với người dưới 16 tuổi).

* Đ/c Trịnh Văn Hai - VKSND huyện Ea Hleo, tham gia trao đổi như sau:
 
Tôi đồng tình quan điểm B phạm tội Cướp giật tài sản; A phạm tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vì:

Trong trường hợp này, B có được chiếc điện thoại là do cháu X đưa, việc đưa điện thoại cho B chỉ với mục đích để gọi điện thoại cho bố cháu X, tức là sự chuyển giao tài sản này chỉ là tạm thời và việc B sử dụng điện thoại vẫn trong tầm kiểm soát của X. Mặc dù sau khi nhận được điện thoại thì B có thủ đoạn gian dối nhưng gian dối của B không quyết định đến việc chiếm đoạt tài sản mà chỉ nhằm tạo khoảng cách xa hơn với cháu X rồi nhanh chóng tẩu thoát chiếm đoạt tài sản.

Yếu tố quyết định trong tình huống này là B nhanh chóng công khai tẩu thoát chiếm đoạt tài sản. Vì vậy theo tôi hành vi của B thõa mãn các dấu hiệu của tội Cướp giật tài sản.
                                                                                                   
 
 

0
Hữu Thông
In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

Thống kê hồ sơ