Thứ năm , Ngày 03 Tháng 10 Năm 2024
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Trong tháng:

Tất cả:

Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
Cập nhật lúc: 23/10/2023

Bị cáo Y Cương  HLong có được xem là đương nhiên xóa án tích?

Trong thực tiễn áp dụng pháp luật đối với quy định đương nhiên xóa án tích đã được quy định cụ thể trong phần chung của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, khi áp dụng thì nhận thức của các cơ quan bảo vệ pháp luật có quan điểm khác nhau.

an-tich

Sau đây tôi xin nêu trường hợp cụ thể trong thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay các cơ quan bảo vệ pháp luật còn có quan điểm trái ngược nhau, cụ thể: Ngày 09/9/2014, bị cáo Y Cương bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích, thời gian thử thách là 05 năm. Ngoài ra, bản án còn tuyên bị cáo phải có nghĩa vụ chấp hành án phí hình sự, án phí dân sự và phần bồi thường dân sự cho người bị hại. Bị cáo đã chấp hành xong án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm vào ngày 27/10/2014. Tuy nhiên, đến nay bị cáo Y Cương chưa chấp hành phần bồi thường thiệt hại về dân sự vì người bị hại không làm đơn yêu cầu thi hành án. Tính đến ngày phạm tội mới (ngày 30/3/2023) thì bản án đã có hiệu lực 8 năm 06 tháng 20 ngày, người bị hại không yêu cầu thi hành án.

Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định : Đương nhiên xóa án tích là trường hợp người bị kết án được đương nhiên công nhận như là chưa từng bị kết án mà không cần có quyết định của Tòa án. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS.

Người bị kết án được đương nhiên xóa án tích khi họ chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, đồng thời họ phải chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án và không phạm tội mới trong một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà họ đã bị kết án. Việc chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo là “điều kiện cần” để một người được xóa án tích, vì khi đó khoảng thời gian được tính để xoá án tích sẽ bắt đầu được tính, và người bị kết án phải không thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian này.

 Bên cạnh đó, người bị kết án đều phải đáp ứng “điều kiện đủ” là việc họ phải chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Khi và chỉ khi người bị kết án chấp hành xong phần “điều kiện đủ” này thì họ mới được xóa án tích, dù cho thời hạn được tính để xóa án tích đã kết thúc từ trước đó. Các quyết định khác của bản án phổ biến nhất là các quyết định về dân sự, có thể kể đến như các khoản án phí, khoản tiền người bị kết án phải bồi thường cho bị hại, nguyên đơn dân sự,…Đối với các khoản tiền thi hành án theo yêu cầu (như tiền bồi thường thiệt hại,…), do nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên nên cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án nếu nhận được yêu cầu của đương sự (sau đây gọi là người được bồi thường) hoặc đại diện hợp pháp của họ. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Từ những phân tích nên trên áp dụng vào trường hợp cụ thể đối với Y Cương Hlong có được xem là  đương nhiên xoá án tích không? Khi Y Cương vẫn chưa chấp hành xong phần bồi thường phần dân sự của bản án, trong khi hiện tại đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án nên cơ quan THADS sẽ không tổ chức thi hành án đối với khoản bồi thường.

Hiện nay, các cơ quan tố tụng tại địa phương có 02 quan điểm xử lý đối với Y Cương Hlong.

Quan điểm thứ nhất cho rằng Y Cương Hlong được xem là đương nhiên xóa án tích, bởi vì Y Cương đã chấp hành xong hình phạt chính, không phạm tội mới trong thời hạn tại khoản 2 Điều 70 BLHS, đã chấp hành xong các quyết định khác của bản án. Tuy nhiên bị cáo chưa thi hành khoản tiền bồi thường thiệt hại do người được bồi thường không có đơn yêu cầu thi hành án và hiện tại đã hết thời hiệu thi hành án ( theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 và năm 2022). Tính đến ngày phạm tội mới (ngày 30/3/2023) thì bản án có hiệu lực 8 năm 06 tháng 20 ngày, người bị hại không yêu cầu thi hành án. Nên theo khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự thì thời hiệu thi hành án đối với phần bồi thường không còn do đó bị cáo được xem là chấp hành xong bản án và đương nhiên xóa án tích. Tôi đồng ý với quan điều này để áp dụng cho bị cáo Y Cương Hlong đã được xóa án tích. 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 quy định như sau: …

“2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:

a) 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;

Theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 quy định như sau: …

“ 3.Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này ” 

Quan điểm thứ hai cho rằng Y Cương chưa chấp hành xong bản án và do đó chưa được xóa án tích, bởi vì:

Thứ nhất, việc người được bồi thường không yêu cầu thi hành án và đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì hậu quả pháp lý là người được bồi thường mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án, nhưng không đồng nghĩa với việc bản án (phần bồi thường thiệt hại) sẽ không bao giờ có thể được thi hành kể từ thời điểm đó. Việc chấp hành, thi hành bản án có thể được thực hiện bằng thỏa thuận, khi không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án. Điều 6 Luật THADS quy định đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan THADS thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành.

Thứ hai, nghĩa vụ bồi thường của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại phát sinh, và tồn tại độc lập. Việc bản án tuyên buộc người có nghĩa vụ phải bồi thường là một hình thức Nhà nước thừa nhận quyền được bồi thường của một chủ thể và kèm theo đó là cơ chế bảo đảm thực hiện của Nhà nước. Nhìn về góc độ pháp luật dân sự, Điều 274 BLDS 2015 quy định sáu căn cứ phát sinh nghĩa vụ, bao gồm: Hợp đồng, hành vi pháp lý đơn phương, thực hiện công việc không có ủy quyền, chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật, căn cứ khác do pháp luật quy định. Khi một người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác và gây thiệt hại thì ngay tại thời điểm đó đã phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của người xâm phạm và quyền được bồi thường của người bị xâm phạm. Người bị xâm phạm có thể thỏa thuận việc bồi thường đối với người xâm phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền dân sự của mình.

Thứ ba, nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự có quy định về việc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, theo đó “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Nghĩa vụ của người bị kết án là phải nghiêm chỉnh chấp hành bản án. Sẽ là không phù hợp nếu người bị kết án cố tình chây ì, không thực hiện nghĩa vụ dân sự trong khi về phía người được bồi thường do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan nào đó đã không yêu cầu thi hành án trong thời hiệu quy định, và kết quả là người bị kết án được suy luận theo hướng có lợi, xem như đã chấp hành xong bản án và được xóa án tích.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi nghiệp vụ của các đồng chí.

Nguyễn Công Thức
VKSND huyện Krông Ana
In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC